TIN TỨC THỜI SỰ

Hai kịch bản đổ bộ của bão Talim
17 Tháng 07
Đăng bởi:  Solis

Hai kịch bản đổ bộ của bão Talim

Khả năng lớn bão đổ bộ vào khu vực giữa Hải Phòng, Quảng Ninh gây mưa lớn ở Bắc và Bắc Trung Bộ, ...

Khả năng lớn bão đổ bộ vào khu vực giữa Hải Phòng, Quảng Ninh gây mưa lớn ở Bắc và Bắc Trung Bộ, khả năng ít hơn bão đi dọc biên giới Việt - Trung.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai sáng 17/7, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết Talim dự kiến vào vịnh Bắc Bộ mạnh cấp 10-11, trưa mai đổ bộ cấp 9-10.

Ông Mai Văn Khiêm phát biểu tại cuộc họp sáng 17/7. Ảnh: Gia Chính

Ông Mai Văn Khiêm phát biểu tại cuộc họp sáng 17/7. Ảnh: Gia Chính

Với kịch bản này (khoảng 80%), Talim là bão đổ bộ miền Bắc có cường độ lớn nhất trong 3-5 năm trở lại đây. Khả năng cao bão sẽ vào khu vực giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, hoàn lưu bao trùm gần hết Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An, gây mưa rất lớn từ đêm nay đến ngày 20/7. Bắc Bộ mưa khoảng 200-400 mm, có nơi trên 500 mm; Thanh Hóa, Nghệ An 100-200 mm, có nơi trên 300 mm.

Khả năng thứ hai khoảng 20%, sau khi qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), bão sẽ men theo ven biển Trung Quốc và đi vào khu vực biên giới TP Móng Cái với Trung Quốc. Với khả năng này, lượng mưa sẽ ít hơn.

Hiện các đài khí tượng như Nhật Bản, Hải quân Mỹ, Hong Kong đều dự báo hướng đi của bão vào khu vực biên giới Việt - Trung, tuy nhiên cường độ có sự khác nhau. Đài Nhật Bản, Hải quân Mỹ dự báo sức gió mạnh nhất 90 km/h, đài Hong Kong là 130 km/h.

Theo ông Khiêm, lo nhất là lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn. Yên Bái và Bắc Kạn có nhiều điểm nguy cơ sạt lở nhất, mỗi tỉnh hơn 300 điểm. Quảng Ninh hơn 160 điểm, Lạng Sơn hơn 100 điểm, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai mỗi tỉnh dưới 100 điểm.

Hình ảnh vệ tinh bão Talim lúc 10h ngày 17/7. Ảnh: NCHMF

Hình ảnh vệ tinh bão Talim lúc 10h ngày 17/7. Ảnh: NCHMF

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Đê điều và Phòng chống thiên tai, đề nghị các địa phương chủ động đưa người ở các lồng bè lên bờ. "Trước đây, Bộ đội biên phòng ở Quảng Ninh đã phải cứu hơn 40 người trên các lồng bè khi bão đến. Điều này rất nguy hiểm cho người dân và cả lực lượng cứu hộ", ông Luận nói.

Ban Chỉ đạo quốc gia cũng lưu ý tình trạng đê điều, trong đó đê biển hiện mới chỉ chống chịu được bão cấp 9-10. Hệ thống đê Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có tổng chiều dài gần 6.700 km, trong đó có 289 vị trí trọng điểm, xung yếu.

Ngoài ra, đê sông có 4 vị trí gặp sự cố nhưng chưa xử lý triệt để. Đó là sự cố nứt mái đê tại Cẩm Hà và sạt lở mái phía sông của đê hữu Cầu, TP Hà Nội; lún, nứt đê hữu Thương tỉnh Bắc Giang; lún, sạt mái đê tả sông Mã đoạn tỉnh Thanh Hóa.

Địa bàn Quảng Ninh, Hải Phòng hiện có gần 17.500 khách du lịch lưu trú trên các đảo (Quảng Ninh hơn 4.000, Hải Phòng hơn 13.000). Tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định cấm biển từ 12h, Hải Phòng từ 21h hôm nay.

Tàu thuyền neo tại đảo Cô Tô, Quảng Ninh sáng 17/7. Ảnh: Lê Tân

Tàu thuyền neo tại đảo Cô Tô, Quảng Ninh sáng 17/7. Ảnh: Lê Tân

Lãnh đạo TP Hải Phòng cho biết đến sáng nay các đảo còn hơn 7.000 người, cơ quan chức năng đã thông báo để du khách chủ động về bờ trước chiều nay. Nếu du khách muốn ở lại, chính quyền các đảo đã lên phương án đảm bảo an toàn.

Đại diện tỉnh Bắc Kạn cho biết đã sẵn sàng phương án ứng phó với hơn 7.000 người ứng trực thuộc lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, 13 phương tiện vận chuyển, hơn 30 phương tiện chỉ huy, xuồng, thuyền, phao cano, áo phao hơn 10.000 chiếc. Địa phương đang rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở cao để sơ tán dân, đồng thời cắt cử người ứng trực ở các ngầm tràn.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định các địa phương đã có kinh nghiệm cũng như phương án ứng phó bão. "Đây cũng chính là điều khiến tôi lo lắng vì kinh nghiệm rất dễ dẫn đến mất cảnh giác, chủ quan", ông nói và yêu cầu các tỉnh chủ động, linh hoạt, phối hợp cung cấp thông tin, chuẩn bị tốt nhất có thể. Mục tiêu là không có thiệt hại về người, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản.

Nguồn: Gia Chính - VnExpess

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: