THÔNG TIN VỀ NHÃN KHOA

CO GIẬT MÍ MẮT, ĐIỀM BÁO HAY TRIỆU CHỨNG BỆNH VỀ MẮT
28 Tháng 12
Đăng bởi:  Solis

CO GIẬT MÍ MẮT, ĐIỀM BÁO HAY TRIỆU CHỨNG BỆNH VỀ MẮT

CO GIẬT MÍ MẮT THƯỜNG DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO    Co giật mí mắt là một hoạt động co thắt lặ...

CO GIẬT MÍ MẮT THƯỜNG DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO 

  Co giật mí mắt là một hoạt động co thắt lặp đi lặp lại, không tự chủ của cơ mí mắt. Co giật thường xảy ra với mí mắt trên, nhưng cũng có thể xảy ra cả với mí mắt dưới.

  Với đa số mọi người, sự co thắt này rất nhẹ và thường chỉ giống như sự co kéo nhẹ vào mí mắt. Nhưng với một số người khác, thì sự co giật có thể mạnh đến nỗi khiến bạn phải nhắm mắt lại ngay lập tức. Một số người khác lại không bao giờ nhận thấy một dấu hiệu nào cả.

  Co giật mí mắt thường xảy ra trong một vài giây, trong một đến hai phút. Các đợt co giật mí mắt thường sẽ không dự đoán trước được. Sự co giật có thể biến mất và sau đó lại xuất hiện trong vòng nhiều ngày. Sau đó, có thể bạn sẽ không nhận thấy bất cứ sự co giật nào nữa trong vòng vài tuần hoặc thậm chí vài tháng.

  Co giật mí mắt thường không gây đau đớn và không gây hại, nhưng có thể gây phiền nhiễu tới bạn. Đa số các cơn co giật thường sẽ tự biến mất mà không cần phải điều trị. Trong những trường hợp hiếm gặp, co giật mí mắt có thể là một dấu hiệu sớm của một rối loạn vận động mãn tính, đặc biệt là nếu co giật đi kèm với việc co giật các phần khác của mặt hoặc các chuyển động không kiểm soát được. 

CO GIẬT MÍ MẮT LÀ DẤU HIỆU CẢNH BÁO VỀ VẤN ĐỀ SỨC KHOẺ 

  Khi nhận thấy mí mắt của bạn bị giật lên một cách bất thường thì đừng chủ quan bỏ qua mà nên cẩn thận vì có thể bạn đã mắc phải một trong các vấn đề sức khỏe sau.

Mắt bạn đang có khối u

  Mặc dù xác suất xảy ra điều này là vô cùng thấp nhưng bạn không nên coi thường tới hiện tượng giật mí mắt. Bởi nếu mắt bạn có khối u thì sẽ gây ra rất nhiều nguy hiểm cho đôi mắt, thậm chí còn làm ảnh hưởng tới tính mạng.

  Lúc này, bạn nên chủ động đi khám mắt chuyên khoa để được các bác sĩ nhãn khoa nhận định. Khi mắt co giật liên tục thì nó đang ngầm báo hiệu trong mắt của bạn đang có dị vật. Đặc biệt, nếu nó bị giật thường xuyên thì có thể là do các khối u đang dần hình thành, chèn lên dây thần kinh và dẫn đến hiện tượng co giật mắt. Dù cho tình trạng bệnh này rất hiếm xảy ra nhưng bạn vẫn nên cẩn thận vì nguy cơ mắc phải khối u ở mắt là hoàn toàn có thể. 

Uống nhiều cà phê quá mức 

  Chính việc uống cà phê hàng ngày cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mí mắt bị co giật liên hồi. Do trong cà phê có chứa chất caffeine nên khiến nhịp tim dễ bị tăng cao, từ đó kích thích quá trình trao đổi chất và hoạt động của các cơ, bao gồm cả cơ mắt.

  Lý giải cho hiện tượng này là vì các vùng cơ ở mắt rất nhỏ và nhạy cảm, vậy nên, chỉ cần một chút xung đột nhẹ từ môi trường bên ngoài lẫn bên trong cũng có thể khiến chúng phản ứng lại bằng cách co giật. Lúc này, bạn nên dừng thói quen tiêu thụ cà phê quá mức của mình và chỉ nên uống không quá 3 ly mỗi ngày.

Gặp căng thẳng quá mức 

  Co giật mí mắt cũng là một biểu hiện phản ánh đôi mắt của bạn đang gặp căng thẳng, mệt mỏi quá mức. Khi cơ thể làm việc quá sức, mắt sẽ có những xung đột từ nhẹ đến mạnh mà đôi khi chính bản thân bạn cũng không nhận ra được.

  Căng thẳng quá mức có thể phản ứng bằng nhiều hiện tượng khác nhau như thở dài, ngáp, uể oải… và cả co giật ở mí mắt. Tuy nhiên, bạn chỉ cần điều chỉnh lại lối sống sinh hoạt của mình là có thể giúp giảm bớt tình trạng này một cách đáng kể.

Thiếu ngủ trầm trọng

  Tình trạng thiếu ngủ thường xuyên cũng có thể phản ứng qua hiện tượng co giật mí mắt. Thiếu ngủ còn khiến bạn dễ bị căng thẳng, suy giảm hệ miễn dịch và ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh. Khi thiếu ngủ, đôi mắt của bạn là nơi phản ánh tình trạng này rõ rệt nhất.

  Nếu cơn co giật diễn biến mãn tính, bạn có thể sẽ bị co giật mí mắt lành tính (benign essential blepharospasm), là tình trạng chuyển động mãn tính, không kiểm soát được của mí mắt. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến cả 2 mắt. Nguyên nhân chính xác hiện vẫn chưa biết rõ, nhưng những tình trạng bệnh về mắt sau đây có thể làm cơn co giật diễn biến tệ hơn:

– Viêm mí mắt

– Viêm kết mạc

– Khô mắt

– Các chất kích thích từ môi trường, ví dụ như gió, ánh sáng, ánh nắng mặt trời hoặc ô nhiễm không khí

– Hút thuốc lá

  Co giật mí mắt lành tính thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Tình trạng này thường sẽ diễn biến nặng hơn theo thời gian và thậm chí có thể gây nhìn mờ, tăng nhạy cảm với ánh sáng và co giật cơ mặt.

BIẾN CHỨNG CỦA CO GIẬT MÍ MẮT 

  Rất hiếm gặp, nhưng co giật mí mắt có thể là triệu chứng của những rối loạn nghiêm trọng về thần kinh hoặc não. Khi co giật mí mặt là hậu quả của những tình trạng này, thì sẽ đi kèm với các triệu chứng khác. Rối loạn não và thần kinh có thể khiến mí mắt co giật bao gồm:

– Liệt dây thần kinh mặt;

– Loạn trương lực cơ, gây co thắt cơ không tự chủ và ảnh hưởng đến một phần cơ thể bị xoay hoặc biến dạng;

– Loạn trương lực cơ cổ, khiến cổ co giật bất ngờ và khiến đầu quay ở vị trí khiến bạn khó chịu;

– Đa xơ cứng, một bệnh của hệ thần kinh trung ương gây ra các vấn đề về nhận thức và vận động, cũng như mệt mỏi;

– Bệnh Parkinson, gây run các chi, cứng cơ, gặp các vấn đề về thăng bằng và ngôn ngữ;

– Hội chứng Tourette.

  Giác mạc trầy xước không được chẩn đoán cũng có thể gây ra tình trạng co giật mí mắt mãn tính. Nếu bạn nghĩ rằng mình bị chấn thương mí mắt, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức. Vết xước giác mạc có thể gây ra tổn thương về mắt vĩnh viễn.

ĐIỀU TRỊ CO GIẬT MÍ MẮT

  Đa số các tình trạng co giật mí mắt sẽ biến mất mà không cần điều trị. Nếu tình trạng này không tự biến mất, bạn có thể cố gắng loại trừ hoặc làm giảm các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân phổ biến nhất của co giật mí mắt là do căng thẳng, mệt mỏi và sử dụng caffein. Để làm giảm co giật mí mắt, bạn có thể thử những cách sau:

– Uống ít caffein hơn;

– Ngủ đủ giấc;

– Giữ bề mặt và niêm mạc mắt luôn ẩm bằng các loại nước mắt nhân tạo không cần kê đơn hoặc thuốc nhỏ mắt;

– Chườm ấm lên mắt khi bị co giật mí mắt.

  Tiêm Botox đôi khi cũng được sử dụng để điều trị co giật mí mắt lành tính. Botox có thể làm giảm những cơn co giật mạnh trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, khi tác dụng của Botox giảm đi, bạn sẽ cần phải tiêm bổ sung thêm.

  Phẫu thuật loại bỏ một vài cơ và dây thần kinh ở mí mắt cũng có thể được áp dụng để điều trị các trường hợp co giật mí mắt nghiêm trọng hơn. Vật lý trị liệu cũng có thể hữu ích trong việc tập thư giãn cho các cơ mặt.

PHÒNG NGỪA CO GIẬT MÍ MẮT 

  Nếu có giật mí mắt thường xuyên xảy ra với bạn, hãy ghi chép lại thời gian và những triệu chứng đi kèm mỗi lần xảy ra. Ghi lại lượng caffein, thuốc lá và rượu, cũng như mức độ căng thăng và mức độ ngủ của bạn trong khoảng thời gian các cơn co giật mí mắt xảy ra.

  Nếu bạn nhận thấy rằng bạn bị co giật mí mắt nhiều hơn khi bạn không ngủ đủ, cố gắng đi ngủ sớm hơn từ 30 phút – 1 tiếng mỗi ngày để làm giảm sức căng của mí mắt và giảm các cơn co giật.

  Co giật mí mắt có rất nhiều nguyên nhân. Hiệu quả điều trị và triển vọng điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng người. Các nghiên cứu đang được tiến hành để xem xét xem co giật mí mắt có liên quan đến di truyền hay không. Co giật liên quan đến căng thẳng, thiếu ngủ hoặc các yếu tố lối sống khác sẽ có triển vọng điều trị tốt nhất. Nếu một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn là nguyên nhân khiến mí mắt bạn co giật, thì điều trị vấn đề đó sẽ là cách tốt nhất để làm giảm tình trạng co giật.

Nguồn: bệnh viện Mắt Sài Gòn

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: